“ Sẽ có những ngày bạn muốn bỏ cuộc. Nhưng đừng quên, những gì bạn đang học được mỗi ngày, từ ngôn ngữ, cách sống, đến cách yêu thương và kiên nhẫn, sẽ là vốn quý cho tương lai của bạn.“
“ Sẽ có những ngày bạn muốn bỏ cuộc. Nhưng đừng quên, những gì bạn đang học được mỗi ngày, từ ngôn ngữ, cách sống, đến cách yêu thương và kiên nhẫn, sẽ là vốn quý cho tương lai của bạn.“
ƯỚC MƠ ĐẾN NHẬT BẢN
Mình là Riri, đến từ Indonesia. Trước khi sang Nhật, mình vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều dưỡng tại một trường tư thục và đang tìm kiếm cơ hội việc làm.
Nhật Bản đã luôn là một đất nước đặc biệt trong lòng mình từ thời còn là học sinh. Từ văn hóa, con người, đến những bộ anime và hình ảnh hoa anh đào – tất cả đều để lại trong mình một niềm yêu thích sâu sắc. Mình từng nghĩ: “Ước gì có thể đặt chân đến đó một lần trong đời.”
Khi cơ hội sang Nhật làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi xuất hiện, mình đã quyết định không bỏ lỡ. Gia đình mình ban đầu khá lo lắng vì lo lắng mình sẽ khó thích nghi được khi phải sống ở một đất nước khác biệt hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hóa và cả tôn giáo. Nhưng mình đã chia sẻ thật lòng về ước mơ và mong muốn trưởng thành của mình. Sau một thời gian, gia đình hiểu và ủng hộ ước mơ đi Nhật của mình. Điều đó đã tiếp thêm cho mình rất nhiều sức mạnh.
Mình bắt đầu học tiếng Nhật ngay sau đó. Kanji lúc đầu khiến mình “choáng váng” vì quá khó nhớ, mình từng thấy nó như một “cơn ác mộng”. Thế nhưng, mình học từng chút một, kiên nhẫn từng ngày, rồi dần dần mình cũng đã thi đậu N4, rồi N3.
Tất nhiên, hành trình học không phải lúc nào cũng trôi chảy. Có những lúc mình bị xao nhãng bởi những chuyện cá nhân, từ bạn bè, gia đình, cho đến cảm xúc riêng mà chính mình. Những lúc như vậy mình thường học mãi mà không vào, bỏ lỡ nhiều thời gian quý giá. Giờ nhìn lại, mình cũng thấy có chút tiếc nuối quãng thời gian đã bỏ lỡ đó. Nhưng chính từ đó, mình nhận ra một điều quan trọng, đó là:
Chỉ cần không dừng lại, thì dù bước chậm đến đâu, mình cũng đang tiến về phía trước.
NHỮNG NGÀY ĐẦU TẠI NHẬT
Mình đến Nhật vào tháng 10. Khi đó, tiết trời mát mẻ, dễ chịu – một cảm giác rất mới mẻ đối với người đến từ vùng nắng nóng quanh năm như mình. Nhưng chỉ vài tuần sau, mùa đông thực sự ập đến. Cái lạnh không giống bất kỳ điều gì mình từng trải qua trước đó, lạnh đến mức hơi thở hóa thành khói, tay chân cứng lại.
Không chỉ thời tiết, cuộc sống hàng ngày cũng đầy thử thách. Mình không thể đọc được nhãn sản phẩm trong siêu thị, nhất là khi cần tìm thực phẩm không chứa thịt heo theo quy định tôn giáo. Thậm chí, chỉ để mua một gói mì, mình cũng phải mất rất nhiều thời gian tra cứu.
Rồi mình bắt đầu tìm thấy các cửa hàng Indonesia, Việt Nam, hoặc siêu thị châu Á. Những món ăn quen thuộc, những gói gia vị từ quê nhà – tất cả khiến mình cảm thấy dễ thở hơn, cảm giác như “đã tìm được chốn quen trong thế giới xa lạ”.
Dù vậy, vẫn có những ngày mình thấy quá tải. Những lúc làm việc kiệt sức, khi không hiểu lời người khác nói, hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy quá cô đơn – mình chỉ muốn được về nhà. Và vào những ngày như vậy, mình gọi cho mẹ. Chỉ cần nghe giọng mẹ, mình đã thấy lòng bình yên hơn.
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC NGƯỜI GIÀ: KHÔNG DỄ NHƯNG ĐẦY Ý NGHĨA
Hiện tại, mình làm việc tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Từ khi các cụ thức dậy đến lúc đi ngủ, mình hỗ trợ sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, ăn uống, trò chuyện và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Lúc mới vào làm, có rất nhiều điều khiến mình lo lắng. Khó nhất có lẽ là khi phải nghe điện thoại trong công việc, tốc độ nói nhanh, từ vựng chuyên ngành lạ lẫm khiến mình gần như không hiểu được gì. Những lúc như vậy, mình cảm thấy hoang mang và sợ làm sai.
Nhưng may mắn thay, các sempai, cấp trên và đồng nghiệp luôn kiên nhẫn hướng dẫn. Họ không chỉ chỉ bảo cách làm mà còn dạy mình từng cách nói chuyện, cách cư xử và tôn trọng văn hóa nơi làm việc.
Càng làm việc lâu, mình càng thấy công việc này hợp với mình. Chăm sóc người lớn tuổi không hề nhẹ nhàng, nhưng lại mang lại niềm vui rất đặc biệt. Có những cụ ông, cụ bà luôn chào mình mỗi sáng bằng một nụ cười hiền hậu. Có lần, gia đình một cụ xin chụp ảnh chung và gửi lại cho mình bản in. Mình vẫn giữ tấm ảnh ấy như một món quà tinh thần, vì đó không chỉ là kỷ niệm, mà là minh chứng cho sự kết nối giữa người với người.
HỌC TẬP KHÔNG NGỪNG, SỐNG CHẬM VÀ NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ
Dù lịch làm việc khá bận rộn, mình vẫn duy trì việc học tiếng Nhật. Mình kết hợp giữa sách, ứng dụng điện thoại, video YouTube, và đôi khi là học nhóm với bạn bè. Mỗi người có cách học phù hợp riêng, và với mình, viết ra giấy là cách nhớ tốt nhất.
Hiện tại, mình đang chuẩn bị cho kỳ thi JLPT N2, đồng thời hướng đến mục tiêu lấy chứng chỉ quốc gia Kaigo Fukushishi (介護福祉士) để có thể tiếp tục làm việc lâu dài tại Nhật. Có lúc mình cảm thấy nản vì kiến thức nhiều, thời gian ít, nhưng mình vẫn nhắc bản thân: học mỗi ngày một ít, tích lũy dần, rồi sẽ đến lúc đủ.
Ngoài công việc và việc học, mình dành thời gian cho việc nấu ăn, đặc biệt là các món cay. Mình thường nấu một lần cho vài ngày để tiết kiệm thời gian. Nếu muốn tìm nguyên liệu đặc biệt, mình đặt hàng online, còn lại thì ra siêu thị gần nhà. Thỉnh thoảng, mình đi đến khu Namba, nơi có các cửa hàng Indonesia, châu Á hoặc Việt Nam, và cảm giác như được về nhà vậy.
Dù hiếm khi gặp bạn bè vì lịch làm việc lệch nhau, mỗi tháng mình vẫn cố gắng gặp 1–2 lần. Chỉ cần một buổi ăn đơn giản hay đi dạo nhẹ nhàng cũng đủ để tiếp thêm năng lượng cho mình.
ĐIỀU GIỮ MÌNH TIẾP TỤC BƯỚC ĐI
Có một lần mình từng bị hỏi: “Sống ở Nhật bao nhiêu năm rồi mà vẫn chẳng có gì trong tay à?”
Lúc đó, mình lặng người. Nhưng rồi mình tự hỏi: “Có gì trong tay là gì? Tiền bạc, hay là những giá trị mình tích lũy được mỗi ngày?”
Với mình, điều giữ mình tiếp tục không phải là áp lực, mà là niềm tin. Mình tin vào hành trình mình đang đi, và tin rằng nếu không bỏ cuộc, thì mỗi bước chân đều có ý nghĩa.
Gia đình luôn là động lực lớn nhất. Và mình cũng đang nuôi một ước mơ – một ngày nào đó có thể mở một cửa hàng nhỏ, nơi kết nối văn hóa Indonesia và Nhật Bản, dù là thông qua ẩm thực, sản phẩm hay dịch vụ.
LỜI NHẮN
Nếu bạn đang chuẩn bị đến Nhật, hoặc đã ở đây nhưng cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi – hãy nhớ rằng: Bạn không đơn độc.
Sẽ có những ngày bạn muốn bỏ cuộc. Nhưng đừng quên, những gì bạn đang học được mỗi ngày, từ ngôn ngữ, cách sống, đến cách yêu thương và kiên nhẫn, sẽ là vốn quý cho tương lai của bạn.
Khi mệt mỏi, hãy nghỉ một chút. Hãy ăn món mình thích, gọi về cho người thân, hoặc tìm ai đó để chia sẻ. Đừng giữ mọi thứ trong lòng.
Mình biết ơn những người đã đi cùng mình trong hành trình này – từ bạn bè, đồng nghiệp, đến những cụ ông, cụ bà đáng kính nơi mình làm việc. Chính họ đã giúp mình không cảm thấy lạc lõng giữa đất khách.
Và mình tin, bạn cũng sẽ tìm thấy ý nghĩa của riêng mình – như cách mình đã tìm thấy, từ những điều bình dị nhất: nụ cười của các cụ già.
Osaka, tháng 6/2025