MỞ CỬA HÀNG F&B Ở NHẬT
DỄ HAY KHÓ?
Là chủ của một chuỗi cửa hàng Bánh Mì Xin Chào, anh Bùi Thanh Tâm có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc mở cửa hàng F&B tại Nhật. Anh đã chia sẻ lại kinh nghiệm từ những bước đầu tiên như chuẩn bị giấy tờ thành lập công ty, tìm mặt bằng…trên trang facebook cá nhân. Được sự đồng ý của tác giả, MPKEN xin đăng tải lại series này, hy vọng sẽ giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về con đường khởi nghiệp tại Nhật theo hướng mở nhà hàng.
PHẦN 1: THÀNH LẬP CÔNG TY VÀ XIN VISA
Đầu tiên, bạn phải là người cư trú hợp pháp - có lý lịch "sạch", sau đó thông qua các văn phòng luật để thành lập pháp nhân, bỏ vào trong ngân hàng số tiền nhất định (thường là từ 5 triệu yên - 500 man), đây cũng là số tiền bạn chứng minh rằng mình đủ vốn để mở cty, xin visa kinh doanh tại Nhật.
Khác với Việt Nam, bạn có thể khai số vốn điều lệ của mình lên bao nhiêu tuỳ thích - kể cả số tiền đó... ngang ngửa số tài sản ông Trump đang có cũng chẳng vấn đề; không ai làm khó bạn cả. Ngược lại, ở Nhật thì số vốn điều lệ của cty bạn chính là số tiền bạn bỏ vào ngân hàng, được in sổ rõ ràng. Ngay cả sau này muốn tăng vốn điều lệ cũng cần cho thêm số tiền tương ứng. (Tất nhiên sau khi in sổ chứng minh số tiền, bạn có thể rút ra để vận hành, hoạt động.)
Và đặc biệt, số tiền đó bắt buộc phải được chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Ví dụ, bạn sang Nhật 4 năm chỉ đi học, làm thêm chỉ đủ chi phí sinh hoạt, vậy tiền đâu ra 5 triệu yên thành lập cty? Kể cả bạn nói gia đình, bạn bè cho mượn, hỗ trợ, vậy thì có giấy tờ chứng minh không? Nếu chưa đi làm, không chứng minh được nguồn gốc dòng tiền tại Nhật, thì tốt nhất là gia đình chuyển tiền quốc tế trực tiếp từ ngân hàng Việt Nam sang Nhật, nhớ là đừng bao giờ tiếc vài đồng chênh lệch tỉ giá, nếu không chiếc thẻ visa cũng sẽ tiếc nuối bạn đó 😙.
Thành lập cty phải có trụ sở, nhưng thông thường các chủ nhà trọ sẽ không cho bạn quyền hạn sử dụng làm văn phòng, chính vì vậy bạn phải tìm được địa điểm làm văn phòng cty: có thể là mặt bằng quán bạn thuê, có thể là nhờ nhà người quen, thuê văn phòng ảo cho đỡ chi phí...
Quay lại việc thuê mặt bằng, cũng nhờ "công đức vô lượng" của các bạn từng gây ra điều phạm pháp, không tuân thủ quy định pháp luật Nhật, không tuân thủ các quy định vô hình (manners) của xã hội Nhật, vô tình đã làm cho các chủ nhà người Nhật có ác cảm, định kiến với người nước ngoài, người Việt Nam. Việc thuê mặt bằng khó khăn hơn, cộng thêm việc cty chỉ mới thành lập, chúng ta sẽ là sự lựa chọn cuối cùng trong số nhiều người thuê khác. Và, nếu họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài mình, vẫn còn một số nơi thử thách khó hơn bằng việc yêu cầu có người Nhật làm bảo lãnh liên đới.
Bảo lãnh liên đới? Tức là, cty bạn sập, bạn gặp rủi ro ngoài ý muốn, bạn thất bại bỏ trốn về nước,...thì người Nhật bảo lãnh đó sẽ "hưởng đủ" - vậy nên tìm người này cũng khó ngang ngửa tìm người yêu vậy! Nói thêm, "người yêu Nhật" này cũng phải lý lịch sạch, có công việc rõ ràng, lương không quá thấp, và được cty bảo hiểm Nhật điều tra rất kĩ càng mới được cấp phép làm bảo lãnh liên đới.
Tiếp câu chuyện nhà cửa, ở Nhật không biết từ bao giờ sinh ra khoảng phí gọi là "tiền lễ". Bạn thuê nhà của owner, ngoài các tiền cọc như thường thấy tại Việt Nam, ở Nhật bạn tốn thêm tiền lễ: cảm ơn ông chủ đã cho tôi thuê nhà, mặt bằng ở đây 😃; số tiền này tương ứng 1 đến 2 tháng tiền nhà; cá biệt một số mặt bằng vị trí đẹp nhiều người thèm thì có thể nhiều hơn; tất cả số này về túi chủ nhà.
Tiền cọc nhà trung bình khoảng 3-6 tháng tiền nhà, một số nơi lên đến 10 tháng, và con số này sẽ khấu hao 20-30% khi bạn trả mặt bằng - ác chiến chưa!
Ngoài ra, khi bạn trả mặt bằng không kinh doanh nữa cũng phải dọn dẹp sạch sẽ mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho chủ nhà. Và số tiền cho việc dọn dẹp, vứt rác này cũng không hề nhỏ, có khi lên đến 2-3 triệu yên (2-300man) và nhiều hơn vài lần nếu mặt bằng lớn, nằm trong toà nhà, trong trung tâm thương mại.
Tính sơ bộ chi phí thuê nhà, bạn cần bỏ ra 1 tháng tiền lễ, 6 tháng tiền cọc, 1 tháng tiền bảo hiểm, 1 tháng tiền phí môi giới BĐS, vị chi khoảng 9 tháng tiền nhà dù chưa kinh doanh được ngày nào. Với những vị trí sầm uất, đắt đỏ trên các thành phố lớn như Tokyo thì chi phí này sẽ cao hơn theo tỉ lệ thuận. Quán Bánh Mì Xin Chào đầu tiên tại Takadanobaba dù chỉ có 20m2 nhưng mất đến 10 tháng cọc, 2 tháng lễ, 1 tháng bảo hiểm, 1 tháng môi giới, tổng hết 14 tháng tiền nhà mà chủ nhà còn không quên bonus thêm yêu cầu tìm "người yêu Nhật" mang tên bảo lãnh liên đới.
Khó khăn vô cùng!!!
Tất cả các điều này dẫn đến các mặt bằng quán ăn Việt Nam thường ở vị trí không quá đẹp, đắc địa; vốn không dư dả nên trang thiết bị chưa được tốt, đầy đủ; việc vận hành sẽ gặp nhiều trục trặc do thiếu hụt kinh phí.
PHẦN 2: CHUẨN BỊ XÂY DỰNG
Khi bạn thành lập xong công ty, nộp giấy tờ xin visa kinh doanh: cửa hàng đã có, công ty đã có, văn phòng đã có; vậy mà...visa thì chưa. Cục xuất nhập cảnh sẽ xét visa của bạn tuỳ theo tình trạng "bổ quả cau" mà tính nhanh hay chậm. Nhanh thì 1,2 tháng, chậm thì 6 tháng, có khi 1 năm, hoặc có khi không bao giờ nếu họ phát hiện dòng tiền không đúng, phạm pháp, hoặc nợ tín dụng, hoặc...nhìn cái mặt thấy ghét (bị vào nhóm điều tra ngẫu nhiên chẳng hạn)!!!
Tuy nhiên tỉ lệ tạch visa này không nhiều, vì khi văn phòng luật chấp nhận hồ sơ, tư vấn và nộp cho bạn thì khả năng "chiến thắng" đã là 90% rồi. Việc tiếp theo của bạn là tập trung xây dựng cửa hàng, chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách.
Yên tâm là trong lúc đợi visa bạn vẫn có thể kinh doanh bình thường.
Nhật là quốc gia cực kỳ khó khăn trong các việc xây dựng: tu sửa, đi đường điện, đường nước, ống khói, báo cháy... từ những công trình dân dụng nhỏ nhất. Tất cả các công trình phải được làm bởi cty được cấp giấy phép tương ứng, người đứng đầu phải có bằng cấp tương ứng, và thậm chí tuỳ quy mô, tuỳ bằng cấp mà cũng chỉ được nhận các công trình có giá trị tương ứng. Ví dụ có một số cty nhỏ có thêm hạng mục kinh doanh Reform, khi được cấp phép làm hạng mục tu sửa, xây dựng các công trình quy mô nhỏ thì cũng chỉ được giới hạn doanh thu tối đa 5 triệu yên(500man)/năm mà thôi.
Trước tiên nói về quy trình xây dựng - reform quán ăn thường thấy ở các cty Nhật, trước khi nói đến phương án "cào bằng" của các anh em người Việt Nam.
Thường người Nhật chỉ bắt đầu gọi cty xây dựng đến để lên bản thiết kế, báo giá, phương án-thời gian xây dựng chỉ sau khi họ đã chắc chắn ký kết được hợp đồng thuê mặt bằng.
Một số công trình sẽ cần bản vẽ kĩ thuật chi tiết tất tần tậc mọi thứ trong quán. Để vẽ được bản này phải thuê kĩ sư đạt bằng cấp cao nhất, họ đến đo đạc và vẽ hoàn thiện mất khoảng 1 tháng, tiền vẽ có khi lên đến 1 triệu yên (100man) cho mặt bằng dưới 100m2. Nhưng nếu công trình nhỏ gọn, không bị yêu cầu bắt buộc từ chủ nhà thì chỉ cần bảng layout tinh gọn từng vị trí thiết bị đặt để trong mặt bằng là oke, mọi việc còn lại cty xây dựng sẽ tính toán. Bản vẽ chi tiết này là trường hợp ở level cao rồi nên mình tạm bỏ qua, đợi nói vào số tới nhé.
Việc báo giá thường sẽ mời 3 cty để đưa ra phương án hợp lý, số tiền hợp lý nhất với chủ cửa hàng (giám đốc) - lưu ý: bây giờ các bạn đã lên chức giám đốc rồi đó 😉. Và vui thay, việc báo giá này tốn của các công ty 2 tuần. Bạn mất thêm khoảng 1 tuần để quyết định chọn công ty nào, và trả giá để giảm được ít nhiều (một số cty sẽ không chấp nhận trả giá). Sau khi thoả thuận chốt, chúng ta lại tiếp tục mất thêm 2 tuần nữa để cty xây dựng chuẩn bị timeline công việc, con người, thầu phụ, nguyên vật liệu, chỗ ở, đi lại...
Như vậy, sương sương chúng ta - những giám đốc đạo mạo, tài năng đã mất thêm khoảng 1 tháng rưỡi tiền nhà cho việc chuẩn bị xây dựng - dù chưa bán buôn được xu nào. (Nếu tính luôn bảng vẽ kĩ thuật thì 2 tháng rưỡi, đến 3 tháng nhé)
Chi phí xây dựng tuỳ vào vị trí, diện tích, khối lượng công việc, nhưng yên tâm là giá cao - rất cao. Ví dụ sửa chữa, reform mặt bằng khoảng 70m2 với tường trần thạch cao, khu bếp, đi điện nước, ống hút khói, cống ngầm, sàn, máy điều hoà, toilet, bảng hiệu,... bạn sẽ mất ít cũng khoảng 10 triệu yên (1000man) tương đương 1.7 tỷ vnđ. May quá yên thấp chứ không là 2 tỷ có lẻ.
Và nhắc lại, đó là lựa chọn cty Nhật báo giá thấp nhất, đã trả giá hết cỡ, còn lại cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi hay thấp hơn 10% cũng tuỳ vào việc "bổ quả cau" vậy.
Công việc này nếu giao cho các anh em cty Việt Nam làm thì sẽ nhanh hơn, báo giá rẻ hơn; tuy nhiên cũng gắn liền rủi ro là thiếu sự chuyên nghiệp, hoặc một số kiến thức chuyên môn còn thiếu, chưa được tốt như những cty Nhật được đào tạo bài bản, dày dặn kinh nghiệm; dẫn đến hệ luỵ hư hỏng, sửa chữa sau này.
Yên tâm, làm nhượng quyền Bánh Mì Xin Chào thì bên mình lo hết mấy vụ này. Đẹp-bổ-rẻ-nhanh-chuẩn-chỉn chu.
Bánh Mì Xin Chào được mời vào làm Foodcourt trong khu ViNAWALK thuộc tổ hợp ViNA ở ga EBINA – tỉnh Kanagawa.
PHẦN 3: THI CÔNG
Một mặt bằng cho thuê để làm quán ăn là mặt bằng nằm trên mảnh đất đã được xây dựng từ trước đó với giấy phép của các bộ ngành liên quan, được phép bán hàng quán. (Lưu ý sẽ có một số loại đất không được phép bán buôn) Như vậy, bạn vào thi công tại mặt bằng này dựa trên kết cấu căn nhà có sẵn, và sửa chữa theo layout mình muốn, phù hợp với luật pháp, điều kiện của cả hai bên, đặc biệt không được ảnh hưởng đến kết cấu căn nhà.
Các hạng mục thi công thông thường như sau: dựng tường thạch cao, nâng sàn bếp, làm hệ thống hút mùi bếp, đi đường điện, đường nước, gas, toilet, bảng hiệu, các hạng mục bàn ghế, trang trí đi kèm, điều hoà, internet, điện thoại, báo cháy.
Bây giờ đi vào chi tiết.
Điện thoại và internet là dễ nhất, đăng ký qua đại lý và hẹn ngày họ đến bắt là xong, thường sẽ mất 1 tháng.
Tiếp đến là gas, tưởng đơn giản nhưng không dễ ăn 1 tí nào. Ở Nhật có 2 loại gas, 1 là gas bình như Việt Nam mình hay dùng. Mỗi căn hộ đều ký hợp đồng với cty gas, họ sẽ tự check lượng gas sắp hết rồi đem đến thay cho bạn, không cần bạn phải gọi điện thoại đến chú Việt ở Hà Nha mang xuống cho tốn công. (Chú Việt ở chỗ quê mình nên mọi người đừng để ý).
Loại thứ 2, gọi là gas đô thị, các đường ống gas chạy ngầm và đưa thẳng vào từng nhà, gas này tiện lợi, rẻ hơn gas bình, được ưa chuộng; tuy nhiên một số vùng vẫn chưa có gas đô thị. Việc khó ăn ở chỗ một số mặt bằng dù có gas đô thị, nhưng họ chỉ dẫn ống đến toà nhà, còn từ toà nhà vào phòng bạn thuê phải tiếp tục gọi cty gas đến thi công tốn chi phí. Khoảng phí này mất trung bình 20man với ca dễ, 50man-100man với ca khó, và cũng không dễ hẹn các ông gas, vì lịch trình dày đặc, thường mất 3 tuần- tháng. Đặc biệt lưu ý về máy móc sử dụng gas cũng chia làm 2 loại tương ứng: gas bình, gas đô thị; nếu lượng gas tiêu thụ nhiều thì ống gas cũng phải đúng tiêu chuẩn: sẽ to hơn, chắc chắn hơn, và...tiền nhiều hơn.
Điện. Trong khi Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới sử dụng điện 200V thì Nhật lại dùng điện 110V, điều này khiến cho việc lắp đặt các thiết bị điện cũng cần tính toán kĩ lưỡng. Đầu tiên bạn cần biết cường độ dòng điện maximum của quán mình nằm ở mức bao nhiêu Ampe. Thường ở quán vừa và nhỏ sẽ là 60A, quán lớn, sử dụng nhiều máy móc tốn điện sẽ là 80-120A. Chưa hết, sẽ có những loại máy móc có dòng điện 200V, trong điện 200V sẽ chia làm điện 200V 1 pha, và điện 200V 3 pha. Điện 3 pha phải nhờ điện lực đến thi công, tốn thêm khoản từ 30man.
Tức là ngay từ đầu, bạn cần xác định số lượng máy móc, lượng điện tiêu thụ, rồi từ đó xác định việc bắt điện sao cho phù hợp: từ sợi dây điện, cho đến vị trí đặt để máy móc, ổ cắm,... Đây cũng là lí do kĩ sư thiết kế bản vẽ sẽ lấy của bạn lên đến 100man đấy: kiến thức-kinh nghiệm-trải nghiệm = tiền. Phần này nếu như sau này xảy ra các tai nạn điện gây thương vong, ảnh hưởng đến các khu vực khác thì cty thi công điện phải chịu trách nhiệm nên không ai dám làm ẩu, trừ...
Nước. Đơn giản hơn, nước cũng kéo trực tiếp từ đường ống ngầm vào toà nhà. Tất cả các đường ống nước thải sẽ phải chảy về một hầm lọc riêng, trước khi chảy ra hệ thống lọc của toà nhà, mới chảy ra cống. Đừng dại dột dùng nước thải của cửa hàng bạn đổ ra cống trực tiếp, vì nếu may mắn không bị cảnh sát tóm thì "cơ hội" được các camera chạy bằng cơm báo cáo cũng lên đến 90% nếu "lỡ" bị phát hiện.
Phần xây dựng thô bên trong có vẻ sẽ dễ hơn, nhưng cũng cần đặc biệt lưu ý phần trong bếp.
Trước tiên, tuỳ vào tỉnh thành mà sẽ có quy định về thi công - đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khác nhau, nhưng nhìn chung khu vực bếp cần nâng sàn lên trung bình 20cm: có thể bằng gỗ, có thể đổ bê tông. Việc nâng sàn vừa để có chỗ cho hầm lọc nước thải đề cập ở trên, mà vừa tách biệt khỏi khu vực khách hàng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt công việc này làm sàn cần người có kinh nghiệm, và tay nghề cao, vì rủi ro sẽ rất lớn nếu sàn bị thấm nước; nếu để ảnh hưởng đến toà nhà, các đơn vị khác thì tiền đền bù cũng bằng lương 5 năm của mình cộng lại! (Nếu bảo hiểm có chịu đi chăng nữa, quán bạn cũng phải tạm đóng để sửa chữa - thiệt hại không hề ít).
Hệ thống hút khói, hút mùi bếp cũng cực kỳ quan trọng. Tuỳ hiện trạng mặt bằng mà phải chuẩn bị loại máy móc đủ công suất. Ví dụ nhà 1 tầng, món ăn ít khói bạn có thể cho ống xả ra ngoài, tuy nhiên với toà nhà 10 tầng, kèm yêu cầu chủ nhà đưa ống khói lên sân thượng - đồng nghĩa tiền thi công hệ thống hút khói của bạn đắt lên 5-10 lần cũng không quá ngạc nhiên. Nếu làm không đúng thì sao? Quán nhiều khói, khách hàng phàn nàn, khói ra đường hàng xóm phàn nàn, chủ nhà phàn nàn, trước khi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tới bắt buộc thay đổi hoặc cưỡng chế đóng cửa.
Hệ thống báo cháy cũng cực kỳ quan trọng. Tuỳ qui mô toà nhà mà hệ thống báo cháy sẽ khác nhau theo mức độ tăng dần: có thể chỉ là máy cảm ứng khói, máy cảm ứng nhiệt, hoặc cả hai nhưng đính kèm theo vòi phun nước tự động, bo.m dập lửa... Đương nhiên đơn vị làm cũng phải thông thạo các trình tự đúng pháp lý để cửa hàng được sở phòng cháy chữa cháy địa phương đến kiểm tra và cấp phép cho hoạt động.
Một số trường hợp đặc biệt cần lưu ý. Nếu quán bạn nằm ở vị trí tầng cao trong toà nhà, thì những việc thi công như bảng hiệu, sửa chữa bên ngoài sẽ mất rất nhiều khê và ngốn nhiều tiền. Ví dụ nếu làm bảng hiệu đèn LED (100% xuất xứ Nhật), bạn cần tìm đơn vị thi công nhờ họ đặt hàng và gắn tốn khoảng 70man-100man; ngoài ra bạn phải thuê giàn giáo, hoặc xe nâng, cả hai phương án đều tốn thêm vài chục man tuỳ độ khó; cuối cùng, bạn cần xin phép cơ quan cảnh sát gần đó nếu phải chắn đường thi công, gây ảnh hưởng đến giao thông, và trả thêm phí cho nhà nước, phí cho người quản lý an toàn giao thông...
Nói chung là nhiều khê-nhiều tiền.
Xây dựng cửa hàng F&B ở Nhật chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng Bánh Mì Xin Chào sẽ lo cho bạn : Đẹp-bổ-rẻ-nhanh-chuẩn-chỉn chu.
PHẦN 4: LÊN MENU
Menu chắc là thứ đầu tiên hiện lên trong đầu bạn khi bắt đầu lên ý tưởng kinh doanh F&B. Tuy nhiên, menu để bán được ở Nhật cũng cần phải đa dạng, phong phú hơn ở Việt Nam để khách có thể chọn lựa, thay đổi khẩu vị đỡ nhàm chán. Đó cũng chính là lí do phần lớn các cửa hàng F&B ở Nhật có nhiều món hơn là các quán ở Việt Nam; Bánh Mì Xin Chào ban đầu cũng chỉ bán bánh mì, nhưng sau đó để phục vụ cho phát triển sau này, ngoài hơn 10 loại bánh mì khác nhau, bây giờ chúng mình có cả mì Quảng, bún, phở, và các loại nước, cà phê...
Nôm na, các cửa hàng F&B bên này là nhà hàng cũng không sai.
Chính vì lẽ đó, chủ quán gần như phải cân hết mọi thể loại, chẳng còn nào là bí kíp gia truyền, sự độc đáo được thừa hưởng 3 đời, gia vị đặc biệt,... Bạn phải là đầu bếp nấu ngon tất cả các món, hoặc khách không chọn bạn. Cuộc chơi khó khăn nhất từ lúc này: tìm khách, hiểu khách, giữ khách, tăng khách.
Một chút tiểu tiết, nhưng cực kỳ quan trọng là hình ảnh. Để một quán ăn vận hành chỉn chu, không chỉ cần món ăn ngon, mà cả dịch vụ tốt; trong phần dịch vụ thì việc thẩm mỹ cực kỳ quan trọng. Như những phần trước đó mình liệt kê, việc quá nhiều khê, nhiều tiền trong việc chuẩn bị, xây dựng đã làm cho các chủ nhà hàng rơi vào trạng thái rỗng túi, mất dần kiên nhẫn, hoài nghi về bản thân, nên khâu hoàn thiện thường sẽ là khâu bị xem nhẹ, và cẩu thả; không đúng một tí nào.
Để thu hút thực khách, đặc biệt là khách Nhật thì trước hết bạn phải chuẩn chỉ hình ảnh, ngôn ngữ: hình ảnh phải đẹp, bắt mắt, và câu từ thể hiện cũng phải đúng, và gây thú vị cho người xem. Mình đã từng ăn những quán ăn của người Việt mà sai cả tiếng Nhật, tiếng Việt, trong khi tiếng Anh thì đề bảng hiệu "Rettautrant" - một sự thiếu chuyên nghiệp, gây khó chịu cho thực khách, đặc biệt khách bị OCD như mình 😅.
Đặt tên Nhật cho món ăn Việt Nam cũng là nghệ thuật. Đầu tiên phải đúng tiếng Nhật, thể hiện rõ nội dung món ăn, có kèm thêm giải thích, pha chút tò mò cho khách thì tốt nhất. Lúc lên menu, thay vì tìm cách dịch từ bánh mì thập cẩm - tức là nhiều thứ trộn lại, mix với nhau, thì mình chọn luôn cái tên bánh mì đặc biệt - special bánh mì cho vừa kêu, vừa đủ ý, mà tiếng Nhật, Anh, Việt gì đều thể hiện tròn trịa như nhau. Và đến bây giờ Special Bánh Mì là một trong những best seller của BMXC.
Một ví dụ nữa về đặt tên món ăn, khi đưa vào món mì Quảng cả team cũng phải đau đầu để lựa ra cái tên phù hợp. Cuối cùng, chúng mình chọn giữ nguyên từ Mì Quảng, phiên âm ra tiếng Nhật kèm theo hình ảnh bắt mắt, lời giải thích gây tò mò: Một loại mì Kishimen của Việt Nam, một đặc sản trứ danh của Đà Nẵng- Hội An, lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản,... Và mì Quảng hiện cũng là best seller của BMXC, khách hàng Nhật Việt đều thích.
Các món nước uống thuần Việt như trà đào cam sả, trà vải cam sả, ...mình cũng tìm cái tên "đẹp" nhất, "kêu" nhất.
Am hiểu về văn hoá bản địa là một lợi thế cho việc ra menu. Lỗi thường mắc phải nhất của các nhà hàng F&B Việt là mang cả Việt Nam vào nhà hàng: kể cả hình ảnh, ngôn ngữ, bài trí, nguyên liệu, cách chế biến, lẫn cung cách phục vụ... Thực ra nó vẫn đúng, nếu khách hàng bạn hướng đến 100% là người Việt tại Nhật, hoặc người Nhật có liên quan đến Việt Nam. Còn đối với khách hàng Nhật thông thường, mình cam đoan họ sẽ không muốn vào vì cảm giác thiếu sự gần gũi, an toàn. Muốn lấy được khách hàng, phải hiểu được họ muốn gì, cần gì, sản phẩm đưa ra cũng cần nhớ câu thần chú BẢN ĐỊA HOÁ, mới mong tiếp cận được thị trường 130 triệu dân này.
Làm ra một menu không dễ, việc làm hình ảnh đẹp cũng tốn kém khá nhiều tiền, kể cả việc dịch thuật cũng đủ thứ khó khăn nếu chưa rành ngoại ngữ, nhưng đây là chi tiết hoàn hảo cuối cùng cho bức tranh. Các bạn đã cố gắng cho mọi thứ, kể cả tiền bạc, sức lực, tinh thần, đừng vì cố tiết kiệm ở phút cuối cùng mà làm nên tác phẩm kém hoàn chỉnh, bởi vì ai cũng muốn chiêm ngưỡng một bức tranh đẹp, cảm được nó họ mới có nhu cầu hỏi đến những gian khó bạn đã trải qua.
Đừng kể khổ về hành trình của mình dẫn đến tác phẩm thiếu này, hụt kia, người thân có thể cảm thông, còn khách hàng thì không.
Còn nếu vẫn còn lăn tăn nhiều thứ, hãy tìm đến #banhmixinchao, vì chúng mình sẽ cung cấp đầy đủ ấn phẩm, hình ảnh, phục vụ luôn cả việc thiết kế cửa hàng, làm tờ rơi, chương trình khuyến mãi...trong suốt thời gian các cửa hàng hoạt động.