ÁP LỰC CÔNG VIỆC QUẢN LÝ CON NGƯỜI

CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG 'CHIẾC CẦU NỐI' VIỆT - NHẬT

Những công việc như phiên dịch - quản lý thực tập sinh ở các công ty, các nghiệp đoàn, quản lý du học sinh tại các trường tiếng Nhật, trường senmon, quản lý nhân sự, giới thiệu việc làm, hay phiên dịch và hỗ trợ đời sống ở các tổ chức hỗ trợ được cấp phép (shien-kikan) là công việc mà nhiều người Việt Nam ở Nhật Bản đang làm.

Đây là công việc không những có yêu cầu khá cao như tiếng Nhật giỏi hay khả năng giao tiếp tốt, khả năng xử lý tình huống tốt, am hiểu văn hoá và luật pháp của cả Việt Nam và Nhật Bản, mà áp lực trong quá trình làm việc cũng rất lớn.

Công việc này đòi hỏi thường xuyên phải chịu sức ép từ nhiều phía như thực tập sinh, du học sinh, người lao động với công ty tiếp nhận, trường học,  nghiệp đoàn, nyukan... Những tin nhắn liên lạc lúc nửa đêm, những vấn đề liên quan tới du học sinh và người lao động thường xuyên xảy ra, yêu cầu người quản lý phải liên tục theo dõi vào xử lý khi cần thiết.

Ngay cả đối với nhiều bạn trẻ mới ra trường, mặc dù đây là công việc phù hợp, có thể phát huy được kỹ năng đã học ở trường và có thể giúp bản thân người đó trưởng thành rất nhanh, những áp lực từ mọi phía, áp lực từ cộng đồng có thể xảy đến bất cứ lúc nào khiến không ít bạn trẻ trở nên "sợ" công việc này. 

Và dù mong muốn làm "chiếc cầu nối Việt Nhật" đến thế nào đi nữa, khi mới đi làm các bạn đều bị stress và không có động lực để đi làm tiếp.

Trong khi đó, hiện tại đang có hơn 40 vạn người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Đa số trong số này là thực tập sinh và du học sinh, nhóm người cần được những người phiên dịch và quản lý con người hỗ trợ hơn bao giờ hết trong cuộc sống và việc làm tại Nhật.

Nếu bạn là:

hãy tham gia seminar với chủ đề ÁP LỰC CÔNG VIỆC QUẢN LÝ CON NGƯỜI ngày 02/04/2022 tới đây do MPKEN tổ chức nhé!

Khách mời  ĐỖ THÀNH HƯNG

Khách mời đầu tiên trong buổi trò chuyện online của MPKEN tới đây với chủ đề ÁP LỰC CÔNG VIỆC QUẢN LÝ CON NGƯỜI - CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG 'CHIẾC CẦU NỐI' VIỆT NHẬT là anh Đỗ Thành Hưng, chủ nhiệm văn phòng quản lý lưu học sinh tại Trường Nhật ngữ Waseda Bunkakan.

Dù đã tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng ở Việt Nam, như nhiều du học sinh khác, khi sang Nhật anh Đỗ Thành Hưng vẫn quyết định dành thêm 2 năm học trường tiếng và 4 năm để học chuyên ngành Kinh tế tại Trường Đại học Teikyo.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hưng làm việc trong ngành nhân sự và sau đó chuyển sang Trường Nhật Ngữ Waseda Bunkakan làm quản lý du học sinh. Bên cạnh việc phải đứng lớp dạy một số khoá học, anh Hưng còn phải lo lắng thủ tục nhập học, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như định hướng công việc tương lai cho các bạn du học sinh trong trường.

Những ngày tháng là du học sinh tại Nhật đã mang lại cho anh Hưng nhiều trải nghiệm đáng nhớ và cũng chính là những vốn sống quý báu để anh chia sẻ cho kohai và học sinh của mình sau này.

Nhưng kể cả với một người có vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm sống tại Nhật lâu như anh Hưng, áp lực trong công việc hàng ngày vẫn là rất lớn. 

Anh Hưng chia sẻ: "Có những ngày áp lực công việc khiến mình muốn bỏ việc ngay... Nhưng ngày hôm sau, khi lên trường và được gặp các bạn học sinh, mình lại có thêm động lực để cố gắng tiếp. Niềm vui lớn nhất của mình là được thấy học sinh của mình trưởng thành hơn, thành công hơn trên đất Nhật"

Chắc hẳn trong cộng đồng chúng ta cũng có không ít các bạn đang làm công việc quản lý con người như anh Hưng. Hãy cùng đến tham gia buổi online meetup tới của cùng MPKEN và anh Đỗ Thành Hưng để được chia sẻ về những áp lực trong công việc, cũng như cách để xử lý công việc hiệu quả nhé!

Khách mời  NGUYỄN HUỲNH HOÀNG OANH

Xin giới thiệu khách mời thứ hai của buổi online meetup ÁP LỰC CÔNG VIỆC QUẢN LÝ CON NGƯỜI sắp tới của MPKEN là chị Nguyễn Huỳnh Hoàng Oanh.

Cũng giống như anh Thành Hưng, Hoàng Oanh tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng ở trong nước chuyên ngành tiếng Nhật. Yêu thích văn hoá Nhật, Hoàng Oanh sang Nhật du học và sau đó vào làm phiên dịch và quản lý thực tập sinh ở một công ty logistics lớn của Nhật. 

Yêu thích làm việc với con người là như thế, nhưng trong thời gian làm việc ở đây, Hoàng Oanh nhận ra nhiều vấn đề khác biệt văn hoá và quản lý giữa Việt Nam và Nhật Bản. Để phát triển hơn nữa kỹ năng và sự nghiệp của mình, Hoàng Oanh quyết định học lên thạc sỹ chuyên ngành Xã hội học ở trường đại học 関東学院大学. 

Với kiến thức được học ở trường ở cả Việt Nam và Nhật Bản, cũng như vốn sống được trau dồi qua nhiều công việc, hiện tại Hoàng Oanh đang rất thích thú với công việc giới thiệu việc làm và hỗ trợ đời sống cho các lao động tokuteigino ở một tổ chức của Nhật.

Hoàng Oanh chia sẻ bí quyết để giữ "một cái đầu lạnh và một trái tim nóng" khi luôn phải đóng vai trò người đứng giữa trong các bất đồng, mâu thuẫn giữa con người với con người trong công việc của mình:  "Nhiều lúc mình cũng muốn nghỉ việc, nhưng khi được nghe các bạn báo “Em đỗ N2/N1 rồi” hay “Chị hỗ trợ nhiệt tình quá” là mình lại có thêm động lực để tiếp tục công việc làm người đứng giữa giải quyết bất đồng và mâu thuẫn này. Cũng có khi chỉ vài câu cảm ơn và chúc mừng ngày 8/3 từ các bạn, mình cũng thấy vui vui và thêm hài lòng với công việc.."

Hãy đăng ký tham gia buổi online meetup cùng MPKEN để được Hoàng Oanh chia sẻ về những trải nghiệm có được trong công việc chiếc cầu nối Việt - Nhật của mình nhé!

Khách mời  NGUYỄN DUY KHÁNH

Vị khách mời cuối cùng trong chương trình của chúng ta tháng này là anh Nguyễn Duy Khánh, phụ trách đối ngoại tại công ty nhân lực hàng đầu tại Việt Nam.

Dù đã từng đỗ khoa CNTT ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Khánh không cảm thấy có duyên với lĩnh vực này dù khi đó ngành CNTT là cực kỳ hot và khó vào.

Anh Khánh quyết định sang Nhật và vào học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Takushoku ở Tokyo. Trong thời gian là sinh viên, anh Khánh rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện cũng như hoạt động cộng đồng. Anh Khánh là thành viên sáng lập của Samurai-chan, một kênh chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Nhật cũng như cuộc sống tại Nhật rất được yêu thích.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Khánh vào làm tại công ty giới thiệu việc làm và sau đó là một nghiệp đoàn tại Nhật. Sau khi trở về Việt Nam, anh Khánh vẫn tiếp tục làm công việc liên quan đến con người, vẫn làm chiếc cầu nối Việt Nhật dù có rất nhiều cơ hội hấp dẫn khác đến với mình.

Anh Khánh chia sẻ: “Làm việc trong ngành nhân sự Việt - Nhật đồng nghĩa với việc cần thường xuyên trau dồi kiến thức và kỹ năng để xử lý vấn đề trong công việc. Chính sách và chế độ có thể thay đổi liên tục, nếu không cập nhật sẽ bị đào thải. Hơn nữa, đây là công việc liên quan đến cuộc sống của nhiều người và gia đình, nên cần có nhiều kỹ năng để thấu hiểu cũng như để giải thích vấn đề một cách rõ ràng.  Hãy liên tục học hỏi để tự tạo thêm giá trị cho bản thân mình!”

Chi tiết buổi seminar như sau:


Rất mong được gặp và trò chuyện cùng bạn trong buổi seminar tới!